Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Ong Phật nghe đàn và hát

 Đi qua vùng cỏ non- Hoàng Yến chibi


Mời Ngộ đọc chơi khi rảnh, 1 bài hay cua TK


ĐN
--


BẢN TÌNH CA DUY NHẤT TRONG KINH ĐIỂN PÀLI

TK

Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng hoà thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật Giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó. Nhưng vẫn chưa hết, cái duyên ngầm trong chữ nghĩa của hoà thượng càng kinh người hơn khi ta có dịp so sánh các bài kệ trong bản dịch Kinh Tạng với nguyên tác Pàli hay qua bản dịch tiếng Anh. Từng chữ trong lời Việt của hoà thượng cứ như một hòn giả sơn tái hiện tận lực cái không khí cổ phong của một thứ ngôn ngữ của ngàn năm trước. Giữ lại cái hồn của một tiếng nói thiên cổ đã khó, trung thành được với ngôn phong ngữ khí của một bậc đại thánh như đức Phật lại càng thiên nan vạn nan. Dĩ nhiên không phải ai cũng làm được việc đó.

Có bản dịch kinh văn cố tự chuốt cái phong vận bác học, đọc xong cứ tưởng đó là lời thuyết giảng của một giáo sư Tây Phương vừa mới phát biểu trong một giảng đường đại học ngày hôm qua. Có bản dịch gượng gạo, tàn khuyết như lời lảm nhảm của ông đạo khoai, đạo chuối nào đó. Và dường như chỉ có bản dịch tài hoa và tâm huyết như của hoà thượng Thích Minh Châu mới đủ khiến người đọc có được cùng lúc hai cảm giác thành kính và mát ruột. Thành kính vì qua đó cứ như nghe được cả giọng nói Phạm Âm của đức Phật và mát ruột vì độc giả cứ mơ hồ thấy ra một phương trời Cổ Ấn thái bình thạnh trị có bầy nai hiền tung tăng giữa một cánh rừng trụ xứ của các bậc Sa-môn hiền thánh. Từng trang kinh lúc này đã ra một đạo tràng tinh khiết chẵng nặng mùi khói nhang tín ngưỡng của đời mạt pháp.

Nói quẩn quanh chỉ để thưa rằng tôi đã yêu mê lời dịch của hoà thượng Thích Minh Châu qua các bộ Kinh Tạng tiếng Việt. Và nếu ngay bây giờ phải trưng dẫn vài ba trong vô số lời dịch trác tuyệt kia, tôi có thể kể ngay ba bài kệ mà tôi đã thuộc nằm lòng. Đó là kệ Nhất Dạ Hiền Giả trong Trung Bộ tập 3, kệ kết thúc bài kinh Ratthapàla trong Trung Bộ 2 và bản tình ca duy nhất của kinh điển Pàli trong bài kinh Đế Thích Sở Vấn của Trường Bộ 3 (đều là các bản in trước 1975).

Chuyện bắt đầu từ một ngày thiên vương Đế Thích chợt nhận ra mình không còn sống được bao lâu nữa. Ngài cảm thấy bất an và người đầu tiên ngài nghĩ đến chính là đức Phật, lúc đó đang tại thế. Thiên vương xuống trần hầu Phật và cùng đi với ngài là một vị tiên ngoan đồng tên Pancasikhà. Gọi là ngoan đồng vì vị này có ngoại hình như một tiên đồng kháu khỉnh, trên đầu có năm chỏm tóc đào, lý do của ngoại hiệu Pancasikhà. Sớ ghi dưới thời Phật Ca-Diếp vị này từng là một cậu bé chăn bò có lòng kính tin Tam Bảo, độ trì chúng tăng. Nhờ công đức đó mà cậu bé kia được sanh thiên, nhưng vẫn chưa bỏ tính ham chơi. Tập khí trẻ con đã tạo cho vị tiên cái nhân dáng đúng như ý thích. Điều trớ trêu là lòng phàm trước sau gì cũng vướng lụy, chàng đã trộm yêu một tiên nữ tên Suriyavacasà, con gái của một đại lực tiên ông tên Timbaru, người chưỡng quản làng ca vũ nhạc kịch của Đạo Lợi Thiên. Oái oăm thay, người trong mộng của Suriyavacasà không phải là chàng Pancasikhà giống hệt trẻ con. Nàng đã phải lòng cậu con trai của tiên ông Màtali, người đánh xe cho thiên vương Đế Thích.

Đau đớn quá, Pancasikhà âm thầm một cõi đi về và sáng tác một nhạc khúc để hát cho riêng mình nghe. Do căn khí tu hành nhiều kiếp, những chồi non bồ đề cứ vô tình nảy lộc trong từng lời hát của chàng. Pancasikhà từng học đạo, nên trong nổi riêng xé lòng vẫn không quên được lối về bến giác, dù rất mờ nhạt và liên tục bị chàng phung phá với những tục niệm đan xen.



"Như gió cho kẻ mệt
Như nước cho kẻ khát
Nàng là tình của ta
Như pháp với Ứng Cúng”

Đem cái tình của mình so sánh với tất cả những gì là thiết yếu sinh tử của nhân gian, rồi thì cả gan so sánh với cả đạo nghiệp giải thoát của một vị La Hán đã thoát vòng tục lụy thì quả là độc đáo và thấm thía tương chao lắm thay.

Tôi trộm nghĩ đến cả hoà thượng dịch giả khả kính của chúng ta có lẽ cũng phải se lòng khi dịch đến chỗ này của bài kinh Đế Thích Sở Vấn. Rõ ràng hoà thượng đã ít nhiều đem cái tình riêng mà cùng tham dự vào nguyên tác để chia sẽ nổi đau thất tình của người bạn đồng tu lãng mạn đó. Dĩ nhiên Pancasikhà cũng là bạn tu của tất cả chúng ta.

Tôi chưa hề có ý học thuộc bài hát này của Pancasikhà, nhưng chuyện đời thiệt lạ: Hữu ý bồi hoa, hoa bất phát - vô tâm tháp liễu, liễu thành âm. Cố tình vun vén thì cây tàn hoa lụi, nhưng hạt ném bên đường nhiều khi lại ra cây xanh tốt xum xuê.



“Thiện nữ! ta van nàng
ôi hiền nữ suối tóc
ái dục ta có bao
nhưng nay đã tăng bội
như đồ chúng La-Hán
mọi công đức ta làm
dâng lên bậc La-Hán
ôi kiều nữ toàn thiện
nàng là quả cho ta…”

Bài hát đó không ít lần đã như câu thần chú giúp tôi vùng thoát cái mặc cảm phàm tình chất ngất của mình. Ừ thì tục lụy thì đâu đã sao, gì cũng chỉ là hoa bướm trên đường vạn lý cả thôi. Cái cốt lõi là phút cuối quay đầu thấy bờ, phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật. Mà nói cho cùng, đâu phải ai đọc bài hát đó cũng phải yếu đuối điên mê. Xin đọc kỹ một lần đi. Thương lắm. Chàng nhận mình là một Phật tử, biết vui khi nhìn ngắm thánh chúng của đức Phật ngày một đông đảo. Nhưng yêu nàng quá, chàng tạm thời chỉ mong bao kiếp tu hành của mình hãy giúp mình gần được người đó. Vậy mà cũng chẵng xong. Quả bồ-đề cao vọi là thế mà công đức hữu lậu còn dẫn tới được thì sá gì một phút ghế bến trầm luân chứ. Con xin phát thệ chân thành, rong chơi đôi hôm rồi cũng sẽ quay về với Phât. Sinh tử ai lại không sợ, nhưng đột ngột dứt áo ra đi lúc này thì kể cũng có phần khe khắt. Mai mốt đã Niết-bàn thì làm sao có buổi quay về lần nữa.

Pancasikhà làm riêng bài hát này cho mình, nhưng thật ly kỳ khi Thế Tôn lại là người đầu tiên nghe chàng độc tấu bài hát này. Lúc đó ngài vừa thành Phật không bao lâu. Thì ra chuyện thất tình của Pancasikhà đã có từ ngày ấy. Chàng như đứa bé chơi thua bạn thì chạy về mách mẹ. Nhiều năm sau, tôi nghĩ lời hát đã được Pancasikhà thay đổi ít nhiều. Chàng xuống trần học đạo để tìm quên và dù chưa quên được nhưng lời kinh đã đi vào lời hát như một chuẩn bị cho chủng tử giải thoát ngày sau.

Đêm nay theo chân thiên vương Đế Thích xuống trần hầu Phật lần nữa, Pancasikhà lại ôm đàn hát lại nhạc khúc đó như một cách cúng dường. Lễ phẩm chàng có được lúc này cũng chỉ là một nổi đau thất tình được phổ vào bài hát đem dâng lên bậc Điều Ngự, người dạy chúng sinh giải thoát tình trần. Có lẽ chỉ có phàm phu mới nghĩ ra được kiểu cúng dường nghịch thiên bội địa này thôi.

Vậy mà Thế Tôn cũng lặng lẽ ngồi nghe với một niềm bi mẫn vô bờ, như người mẹ hiền kiên nhẫn ngồi dỗ đứa bé khóc nhè. Với đôi mắt nhìn khắp muôn cõi và tấm lòng nghĩ thấu ngàn đời, đức Phật đã lắng nghe rồi ngõ lời khen Pancasikhà bằng một câu hỏi:

- Ngươi đã học ở đâu lời hát pha trộn cả hai thứ giải thoát và tục lụy đó ?

Một câu hỏi hàm ý cùng lúc nhiều vấn đề quan trọng. Giải thoát và tục lụy là hai cực đối lập, không thể song hành. Một câu hỏi chứa đựng cả bốn Thánh Đế và gợi ý cả giáo lý Duyên Khởi trùng điệp.

Pancasikhà đã thưa lại với Thế Tôn chuyện lòng tan nát của mình và nhắc lại chuyện cũ dưới gốc bồ-đề ngày trước khi chàng lần đầu hầu Phật và hát cúng dường ngài nhạc khúc não lòng đó.

Kinh nói sau khi vào hầu Phật, thiên vương Đế Thích được nghe pháp và chứng quả Dự Lưu. Ngay lúc đó tuổi trời đã mãn, thiên vương mạng chung trước mặt Thế Tôn và lập tức tái sanh trở lại với ngôi vị thiên vương của mình. Sự việc chớp nhoáng này chỉ có đức Phật và thiên vương biết được mà thôi.

Để cảm tạ Pancasikhà, thiên vương Đế Thích hứa với chàng là sẽ tìm cách giàn xếp để Pancasikhà cưới được Suriyavacasà trong giải pháp thỏa đáng nhất.

Lời hứa của thiên vương đã khép lại một chuyện tình thơ mộng bậc nhất của kinh điển Phật giáo và chúng ta có lẽ cũng nên cảm ơn cô nàng Suriyavacasà đã là nguồn cảm hứng cho một bản tình ca quán tuyệt cổ kim có âm vang xông thấu đôi miền tiên tục và đã từng là một lễ phẩm cúng dường một bậc đại thánh như đức Phật. Và vẫn chưa hết, bản tình ca đó của Pancasikhà còn có tác dụng của một lời khuyến tu thú vị: Có rong chơi đến bao xa xin cũng nhớ quay về. Vì tục lụy muôn đời chỉ là một cội cây sống bằng nước mắt kẻ trầm luân..
Ô hô ! Pancasikhà tiên ông thượng hưởng !

Onceland, mưa 2006
TK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét